Truyền thuyết về vị vua cha Ngọc Hoàng Thượng Đế

Thông tin dưới đây do Lời Phật tìm hiểu nếu có bất cứ sai sót nào xin góp ý qua phần liên hệ.

Từ thời khơi nguyên đến ngày nay, cha mẹ luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của con người. Chính họ đã sinh ra, nuôi dưỡng, che chở cuộc sống, chịu đựng khó khăn để con cái có một cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ và trọn vẹn nhất. Mang trong mình những phẩm chất cao quý và hoàn hảo nhất của người cha, họ là vị thần cao cả, là người đứng đầu thiên đình, có quyền lực tối cao và là người sáng tạo ra vũ trụ và tất cả mọi vật.

Truyền thuyết kể rằng, ở nước Quang Đại Nghiêm Diệu Lạc xa xưa, vị vua của đất nước này không có người thừa kế. Một đêm, Hoàng hậu có một giấc mơ thấy Thái Thượng Lão Quân (là Ngài Đạo Đức Thiên Tôn) đến trao cho một đứa trẻ. Sau đó, Hoàng Hậu mang thai và sinh ra một Vương tử chính là Ngọc Hoàng Thượng đế sau này. Vương tử trưởng thành, kế vị cha lên ngôi vua, Ngài đã mang tấm lòng nhân từ để cai trị đất nước. Chứng kiến sự khổ đau của con người, Vương tử từ bỏ ngôi vua để tu hành trên núi. Sau 3200 kiếp tu hành, Ngài đã đạt được trạng thái cao cả gọi là Thanh Tịnh Giác Vương Như Lai. Sau đó, Ngài tiếp tục trải qua hàng triệu kiếp tu mới trở thành Ngọc Hoàng Đại Đế Đại Thiên Tôn. Giáo lý của nhiều tôn giáo đã khẳng định, Ngọc Hoàng Thượng đế là hiện thân nam và Đức Phật Mẫu Hoàng Thiên là hiện thân nữ của Đấng Tối cao, là những vị được nhân dân đời đời sùng kính, khi có cả hai Ngài kết hợp với nhau thì vũ trụ vạn vật mới sinh sôi, phát triển.

Ngọc Hoàng Thượng Đế là một trong những vị thần quan trọng nhất trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, đại diện cho quyền lực và sự thịnh vượng.
Ngọc Hoàng Thượng Đế

Qua nghiên cứu thì thấy, dù theo quan niệm của bất kỳ nền văn hóa nào, của tín ngưỡng, tôn giáo hay dân tộc nào cũng xác nhận rằng, Đức Ngọc Hoàng Thượng đế là vị vua sở hữu quyền năng tuyệt đối với 3 cõi Thiên, Địa, Nhân và được đặt dưới quyền năng tối thượng của Bà Mẹ khởi nguyên ra vũ trụ là Đức Phật Mẫu Hoàng Thiên. Ngài đứng đầu Thiên đình quản lý các tầng trời, mặt đất, miền rừng, biển cả, âm phủ và lục giới gồm: Nhân, Thần, Tiên, Yêu, Ma, Quỷ. Dưới quyền của Ngài là các Phật, Thánh, Tiên, Thần. Ngài có phép thuật thần thông quảng đại, quyết định mọi sự thịnh, suy, xấu, tốt của vũ trụ, vạn vật; là người xét phong hoặc thưởng, phạt các vị Phật, Thánh, Tiên, Thần cũng như toàn bộ chúng sinh 3 cõi. Ngài bổ nhiệm và phân chia pháp lực cho các vị Thần, Thánh, Tiên quản lý các nơi với các chức vị, phẩm hàm khác nhau. Bên cạnh Đức Ngọc Hoàng có Nam Tào, Bắc Đẩu; Nam Tào ghi sổ sinh, Bắc Đẩu ghi sổ tử. Văn Xương Đế Quân quản lý sự học hành. Quan Thánh Đế Quân Thần Tài Võ quản lý về tài chính. Thần Nông Tiên Đế quản lý về nông nghiệp. Thiên Y quản lý về y thuật. Đông Nhạc quản lý các địa phương. Long Vương quản lý Tứ Hải sông ngòi, Thanh Long, không khí, mưa, gió, sấm chớp, nước..V.V..Đứng sau hộ mệnh Đức Ngọc Hoàng gồm có: Hoàng Thiên Hậu Thổ, Tử Vi Đại Đế Ngọc Bệ Hạ, Câu Trần Đại Đế Ngọc Bệ Hạ, Trường Sinh Đại Đế, Tam Thanh Lão Tổ. Thái Thượng Lão Quân giúp Đức Ngọc Hoàng Thượng đế chỉ đạo, điều hành công việc của Thiên đình và phân công nhiệm vụ cho các chúng tiên lo việc tam giới. Ngọc Hoàng và phu nhân sống ở điện Linh Tiêu, nơi có nhiều Tiên, Thánh phục vụ và được các thiên tướng, thiên binh canh gác cẩn mật. Dù Đức Ngọc Hoàng Thượng đế có quyền uy to lớn, thưởng phạt nghiêm minh, nhưng cũng là Người luôn từ bi, thương yêu, ban phúc, giảm tội cho lục giới; tình yêu của Ngài dành cho muôn loài trong đó có loài người vô lượng, vô biên. Dưới nhân gian, Đức Ngọc Hoàng Thượng đế được gọi với nhiều danh từ tôn kính khác nhau: Đức Chúa Trời (Công Giáo và Đạo Tin Lành), Đấng Tạo Hóa, Đấng Thái Cực Thánh Hoàng (Cao Đài giáo), Thiên Chúa (Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo), Đức Allah (Đạo Hồi), Brahma (Ấn Độ giáo), Vua Cha Ngọc Hoàng (Tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam)..V.V…Còn nhân dân ta gọi Ngài thông qua tên gọi Ông Trời.

Nguồn gốc của vũ trụ là Bắc Cực, Bắc Cực vừa là nguồn gốc, vừa là điều kiện sinh thành của mọi sự vật, bản chất của trời là khí, bản chất của đất là hình. Bắc Cực là khối linh hồn của Thượng Đế được gọi là Đại Linh quang. Sự khởi đầu của vũ trụ chính là sự phân chia Bắc Cực thành ba tài (Thiên, Địa, Nhân). Ngọc Hoàng Thượng đế phân Bắc Cực ra Hai Nghi (Âm quang và Dương quang), sau đó biến Hai Nghi thành Bốn Hình, Bốn Hình biến Bát Quái, Bát Quái biến hoá vô cùng mới lập ra Càn khôn Thế giới, tạo thành vạn vật. Đức Phật Mẫu Hoàng Thiên chủ phần Bắc Cực Âm tính đã cùng Hai Nghi để tạo ra các tầng Trời, hành tinh, hành tinh..V..V..Và chủ trì sự tái sinh, nghiệp quả và chủ quản số mạng của ba cõi. Phật Mẫu Hoàng Thiên sinh ra vạn linh rồi cho đầu kiếp xuống các hành tinh tạo thành vạn vật chúng sinh, trực tiếp quản lý, điều hành 72 cung Tiên Trên Trời và các cõi Tiên. Trong đó, Càn khôn Thế giới gồm 36 tầng Trời, 3000 hành tinh, 72 hành tinh, bốn đại Lục. Trong mỗi tầng Trời có một vị Đại La Thiên Đế cai quản. Ngọc Hoàng khai Bát Quái tạo thành Càn khôn Thế giới nên gọi là Pháp, Pháp sinh ra càn khôn vạn vật trong đó có người, nên gọi là Tăng. Ngài chủ cả Pháp và Tăng lập thành các tôn giáo.

Thiên đình là triều đình trên bầu trời, là cơ quan quyền lực tối cao của Vũ trụ với hàng trăm ngàn tỷ Vũ trụ con, có tổ chức giống như triều đình phong kiến ở Việt Nam ngày xưa, nhưng gắn kết, khoa học, quy tắc hơn. Đứng đầu Thiên đình là Ngọc Hoàng Thượng đế, dưới là các ban văn, võ do các Thần, Thánh, Tiên đảm nhiệm. Thiên đình có 325 cung Trời chính là các tầng trời hay tầng cảnh giới, còn được gọi là Thiên đường, trong đó có một cung chính là Ngọc Hư Cung và Điện Linh Tiêu cùng 72 cung Tiên thuộc tầng trời Tối Đại Thượng Thiên; sau đó là 36 cung Nguyên Thủy thuộc tầng trời Đại Thượng Thiên (Thượng Đại Niết Bàn) của các vị Tam Thanh, 144 cung thuộc tầng trời Trung Thượng Thiên (Đại Niết Bàn). Các cung thuộc tầng trời Tiểu Thượng Thiên thuộc khu vực Bạch Ngọc Kinh là nơi hội họp của Thượng đế với quần thần (Trung Đại Niết bàn). Về góc độ vật lý, số lượng cung Trời ứng với 325 loại hạt hạ nguyên tử nguyên thủy; đó chính là nguyên tắc để các nhà khoa học tìm ra bản nguyên của vũ trụ và cội nguồn sinh ra thế giới.

Dưới và trong các cung Trời do các vị Thượng đế Thiên Tôn chủ trì gồm các Vũ trụ thành viên, rồi đến các cõi thuộc Trung giới, các Đại thiên hà, các thiên hà tự trị, các Thiên Vương Tinh quân, các Sao và các Thần Tinh. Dưới các Thần Tinh là các cung của Phật, Thần, Thánh. Linh hồn đầu thai học hỏi, tu tập đắc đạo được trở về là Phật, Thánh, mới được dạy rồi bổ nhiệm thành lập Vũ trụ, mới trở thành Thiên Vương Tinh quân hoặc là Thượng đế mới. Riêng các Tiên và cõi Tiên thuộc tầng Nguyên thủy tối cao, là cõi thanh cao nhất; các vị Tiên nguyên thủy sinh ra sẽ được đầu thai về các thế giới và làm người để học hỏi, rèn luyện trở thành các Phật, Thần, Thánh, Tiên. Mỗi tầng Trời có 30 ngàn dặm là khu vực ngoài trời gọi là ”Vô Cực”; còn trong khu vực trời gọi là ”Thái Cực”. Thái Cực được phân ra năm thiên là: Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung ương. Trong đó, Trung ương (Trung Thiên) là nơi cư ngụ của Ngọc Hoàng điều khiển 36 thiên, 3000 thế giới, các bộ Thần Tiên và dưới là 72 Địa sát, tứ đại Bộ Châu có sinh linh sinh sống. Đông Thiên do Tứ Quan Đại Đế (Thiên Quan đại đế, Địa Quan đại đế, Nhạc Quan đại đế, Thủy Quan đại đế) cai quản chủ về ban phúc, tăng tuổi thọ, giải tai, xá tội, trừ nạn cho sinh linh. Nam Thiên do Văn Xương Đế Quân, Văn Hành Thánh Đế cai quản, chủ về việc theo dõi ghi chép công, tội, bổ nhiệm các Thiên Tử ở nhân gian, thăng, giáng cấp các vị chư thần. Tây Thiên do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trước đây và nay là Đức Phật Di Lạc đứng đầu, chủ về giáo dục tâm linh, dạy con người làm điều thiện và quy y Phật để tu đạo giải thoát. Bắc Thiên do Tử Vi Đại Đế đứng đầu, là vua cha của Cửu Trùng Thiên Thánh Mẫu, cai quản tất thảy bầu trời, tinh tượng, Tiên, Thánh, Thần linh trên Thiên phủ, chủ về việc ban tiền, bạc, tài sản và họa, phúc cho con người.

Theo tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam thì Tứ phủ Công đồng bao gồm Thiên phủ, Địa phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ. Trong đó, Thiên phủ có 3 cõi: Vô sắc giới, Sắc giới, Dục giới. Mỗi cõi đều có 1 vị vua cai quản, cai quản 3 cõi là Đức Ngọc Hoàng Thượng đế. Địa phủ (âm phủ) có 10 điện cai quản âm phủ và 18 tầng địa ngục, mỗi điện có 1 vị Diêm Vương cai quản, các điện đều có các quỷ thần phục vụ. Thoải phủ có 9 sông 4 biển, có 8 vị cai quản được gọi là Bát Hải Long Vương. Nhạc phủ (mặt đất, phương vị, trên núi) bao gồm 5 phương, 8 hướng, có 5 vị Nhạc phủ cai quản.

Theo sách Bách Việt tộc phả và so sánh với lịch sử dân tộc, có thể thấy rõ, Ngài Đế Minh, hay còn gọi là Nguyễn Minh Khiết (Thái Khương Công) trong truyền thuyết Hồng Bàng, có một đứa con trai trưởng tên là Lộc Tục, sinh ra từ bà Đỗ Quý Thị (Hương Vân Cái Bồ Tát). Lộc Tục có diện mạo sáng sủa, thông minh và hạnh phúc, Đế Minh đã phong Lộc Tục làm vua phương Nam; Lộc Tục lên ngôi, tự xưng là Kinh Dương Vương và đặt quốc hiệu là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương, còn được gọi là Nguyễn Lộc Tục tự Phúc Lộc, là ông nội của Hùng Vương thứ nhất, có một con gái tên là Động Đình Tiên nữ Đăng Ngạn, và có một con trai tên là Sùng Lãm, hay còn được gọi là Lạc Long Quân. Sau khi kế vị cha, Lạc Long Quân đã thành lập quốc gia có tên là Văn Lang. Vì vậy, dựa trên các sự kiện lịch sử được ghi lại trong sách, Kinh Dương Vương được coi là tổ tiên của người Việt Nam ngày nay, và được nhân dân gọi là cụ Tổ Nam Phương Nguyễn tộc. Ông cũng là linh hồn của Đại kiếp đầu tiên của Ngọc Hoàng Thượng đế, vì vậy sau khi qua đời, ông đã được nhân dân tôn thờ là Ngọc Hoàng giáng sinh. Nơi mà ông được tôn thờ được gọi là Thiên đình, và tượng thờ Kinh Dương Vương được gọi là Ngọc Hoàng Thượng đế, hiện vẫn còn tồn tại tại nhiều ngôi chùa, miếu cổ. Theo tài liệu lưu trữ tại Đền Đậu An (An Viên, Tiên Lữ, Hưng Yên), là ngôi đền thờ Ngọc Hoàng đầu tiên và sớm nhất ở Việt Nam, đã được xây dựng từ năm 226 trước Công nguyên (TCN). Tại thời điểm đó, tín ngưỡng thờ Ngọc Hoàng đã trở thành tín ngưỡng bản địa của người Việt, vì lúc đó nước ta chưa bị ảnh hưởng bởi phương Bắc, cho đến khi nhà Tần xâm chiếm nước Bách Việt vào năm 218 TCN. Trước đó, Văn Lang, Âu Lạc là những quốc gia độc lập, đó cũng là thời kỳ đầu tiên có quốc gia riêng của người Bách Việt.

Như tình yêu của người Cha trên thế gian với những người con của mình, vì thương chúng sinh dưới trần khổ đau, Ngọc Hoàng đã tiếp sinh xuống trần gian để cứu rỗi nhân loại, chỉ dạy chúng sinh luôn đặt chữ “tu hành” hàng đầu, làm điều thiện, tích đức, đóng góp vào xây dựng xã hội phát triển, thịnh vượng, nỗ lực tu tập để được tham gia Hội Long Hoa, đưa 3 cõi trở về thời kỳ Thượng nguyên (Ngươn Thượng Đức). Bước vào Thiên niên kỷ mới, tâm linh Phật Thánh truyền đạt, Phật Mẫu Hoàng Thiên mở trường, khai Hội Long Hoa để tuyển chọn người hiền, truyền đạo pháp để nước Nam ta được tiếp quản con đường đạo mới ra đời, là con đường Đạo Thiện rực rỡ, để năm châu, bốn biển phải tuân theo. Đó cũng là thời kỳ Đức Phật Di Lạc tiếp quản, đảm nhận nhiệm vụ độ hóa chúng sinh mà Phật Thích Ca chưa hoàn thành, đưa chúng sinh trở về thời kỳ Chính Pháp, hay còn gọi là thời kỳ Ngươn Tạo Hóa hoặc Ngươn Thượng Đức, mở ra thời kỳ mới tươi đẹp, tráng lệ nhất của nhân gian, nhân loại được sống trong hòa bình, hạnh phúc, cùng nhau tận hưởng cuộc sống an lạc.

Là Đấng Cao cả của vũ trụ muôn vật và với quyền uy to lớn của Ngài, Ngọc Hoàng Thượng đế luôn được nhân gian tôn sùng nghiêm trang. Ở Việt Nam, do ảnh hưởng của tư tưởng Tam giáo đồng nguyên, nên trong chùa thờ cả Phật, Mẫu, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Tiên, Thần và cả những người có công với đất nước, với dân tộc, tạo nên một thế giới tâm linh chung, không phân biệt, trong đó Phật là trung tâm và ở vị trí cao nhất. Hiện nay, Ngọc Hoàng Thượng đế được thờ riêng tại Đàn Kính Thiên Tràng An (Ninh Bình) cùng Ngài Nam Tào, Bắc Đẩu; tại Chùa Ngọc Hoàng (Quận 1, TP.HCM) và Đền Đậu An (Hưng Yên). Riêng tại Đền Đậu An, nơi Ngọc Hoàng Thượng Đế được thờ cùng với các Tiên, Thần nằm trên mảnh đất hình đầu rồng, có hồ nước trong xanh bao quanh. Đối với người Việt Nam, chính Ngài đã khai sinh ra thủy Tổ người Việt nên Ngọc Hoàng Thượng đế được tôn thờ như là Quốc tổ của dân tộc Việt Nam cho đến mãi mãi về sau. Đó cũng là mạch quốc thống, là niềm tự hào truyền đời cho các thế hệ người Việt Nam mãi về sau.

”Đất Rồng Tiên Tổ dựng xây.

Nam Phương Quốc đạo đủ đầy phúc vinh.

Ngàn năm tạo hóa công trình.

Càn khôn biến đổi, tâm linh dẫn đường”.

Với mỗi người Việt Nam, Đức Ngọc Hoàng Thượng đế luôn được thờ cúng, cúng tế rất chu đáo và trang trọng. Cha ông ta đã chọn ngày 9 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm là ngày “Đản sinh” của Ngọc Hoàng Thượng đế. Vào ngày này, nhân dân chuẩn bị kỹ lưỡng các đồ lễ và tổ chức các nghi thức trang trọng, huyền bí; nhiều nơi còn tổ chức múa mâm vàng, ca hát chúc tụng, “phát tài”; có nơi người dân còn có truyền thống cúng gà trống. Ngày 25/12 (âm lịch) hàng năm, Ngọc Hoàng đi tuần tra, quan sát hạ giới, xem xét thưởng, phạt phân minh. Do vậy, đêm 24/12 âm lịch, nhân dân ở nhiều nơi tổ chức lễ cúng Ngài trang trọng, xin Ngọc Hoàng ban phúc cho năm mới nhận được điều lành, phúc, thọ, tiền, tài tự đến.

Qua bài viết, tác giả muốn bày tỏ lòng biết ơn, lòng thành kính sâu sắc và quyền năng tuyệt đối của Đức Ngọc Hoàng Thượng đế đối với vạn vật, đồng thời muốn tổng quan hóa cho nhân loại có cái nhìn đầy đủ, toàn diện về nguồn gốc sinh thành, vị trí, vai trò của Ngọc Hoàng trong lịch sử cũng như trong thời đại mới, về những hướng dẫn mà Ngài đã truyền đạt đến thế giới, đặc biệt là đối với nhân loại để mọi người có thể tu hành theo đúng con đường “Thuận Thiên”: “Âm dương đồng nhất lý” trong thời đại mới.


Posted

in

by

Tags:

Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *